Tên bài toán
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, tiến tới tăng cường chất lượng công tác quy hoạch phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và chống ùn tắc giao thông.
Mô tả chi tiết vấn đề, bài toán đặt ra
a. Bối cảnh chung
- Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 với nội dung như sau:
(1) Cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, bao gồm:
Trục dọc Bắc Nam (02 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe; Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe. Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.
(2) Mạng lưới Quốc lộ: gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn;
(3) Đường bộ ven biển: Qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Bộ GTVT đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.
- Chính phủ đã giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu để sớm trình chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
- Hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn được coi là “nút thắt” phát triển KT-XH. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ và đặc biệt là hệ thống đường quốc lộ đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc đảm bảo giao thông vận tải và phát triển KT-XH của đất nước. Các kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho thấy, chi 1 đồng cho bảo trì đường bộ sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường. Mặt khác trong bối cảnh ngày càng gia tăng khối tài sản đường bộ, vai trò của các hoạt động bảo trì đường bộ đã trở thành rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.
- Về phân loại, hiện nay mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Theo quy định của Nghị định số 33/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, công tác quản lý nhà nước, khai thác, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được phân cấp thực hiện từ Trung ương tới địa phương (bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc).